Cafe công sở

Hội chứng “People Pleasers” là gì? 4 dấu hiệu giúp bạn nhận biết

single-image

Bạn có thường xuyên cảm thấy áp lực vì muốn làm hài lòng người khác? Hay bạn đã từng hy sinh nhu cầu của bản thân và ám ảnh với việc luôn phải hành động để làm người khác hài lòng? Nếu câu trả lời là “có”, có thể bạn đang gặp phải hội chứng People Pleaser. Hãy cùng Nghiện Văn Phòng tìm hiểu về Hội chứng “People Pleasers” là gì, các dấu hiệu nhận biết và cách để thoát khỏi hội chứng này trong bài viết dưới đây nhé!

Hội chứng People Pleasers là gì?

Hội chứng “People Pleasers” (hay còn được gọi “hội chứng người tốt”) là một trạng thái tâm lý mà người bị ảnh hưởng luôn cảm thấy tội lỗi khi không thể làm hài lòng người khác. Người mắc hội chứng này thường cảm thấy áp lực và lo lắng về việc được đánh giá bởi mọi người. Họ sẵn sàng hy sinh nhu cầu, mong muốn và giá trị của bản thân để đáp ứng các yêu cầu của người khác. Thậm chí, vì sợ làm người khác phật ý mà họ không dám sống thật với chính mình.

Hội chứng “People Pleasers” cũng có thể được coi là một loại rối loạn cảm xúc. Điều này là do những người bị mắc phải Hội chứng “People Pleasers” thường không tự tin về bản thân mình và cảm thấy rằng họ cần phải đáp ứng được mong muốn của người khác để được chấp nhận và yêu thích. Họ thường ở trong trạng thái bất an và căng thẳng về tâm lý.

Hội chứng People Pleasers

4 dấu hiệu của một People Pleasers

Bạn đang thắc mắc những người xung quanh hay chính mình có đang mắc phải hội chứng này? Hãy cùng xác định rõ hơn thông qua những biểu hiện dưới đây nhé!

1. Cảm thấy giá trị bản thân phụ thuộc vào cảm nhận của người khác

Những người mắc hội chứng People Pleasers luôn cảm thấy sợ hãi và lo lắng về việc bị người khác phê phán, chỉ trích hoặc tỏ ra không hài lòng với họ. Họ luôn cố gắng hoàn hảo và không muốn để lộ ra bất kỳ khuyết điểm nào. Đồng thời, họ cũng là người thận trọng trong từng lời nói và để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất kể cả những câu nói bông đùa.

2. Thiếu sự quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của bản thân

Người này luôn có cảm giác rằng ý kiến và cảm xúc của mình không quan trọng bằng người khác. Họ nhún nhường trước ý kiến của người khác mà không nêu lên quan điểm của mình. Bên cạnh đó, họ luôn đáp ứng mọi yêu cầu của những người xung quanh nhưng lại không dám nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn.

People Pleasers

3. Dễ chấp nhận lỗi lầm và sai sót của người khác, dễ tha thứ

Những người mắc hội chứng People Pleasers thường có khả năng đồng cảm và thông cảm cao, nên dễ bỏ qua những lỗi lầm và rắc rối mà người khác gây ra. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc họ chịu đựng những hành vi không tốt từ người khác mà không đưa ra ý kiến hoặc yêu cầu thay đổi.

4. Cố gắng hành động đúng với những chuẩn mực đạo đức

Người này luôn giữ vững nguyên tắc đạo đức và không dám thoát ra khỏi những giới hạn này, thậm chí khi đối mặt với những tình huống không hợp lí. Họ có thể hi sinh mong muốn cá nhân để duy trì hình tượng hoàn hảo trước mắt mọi người, nhưng trong lòng vẫn có lo lắng về việc bị coi là ích kỷ hay không trách nhiệm. Những định kiến xã hội đã áp đặt họ một hình ảnh tử tế mà họ cần phải noi theo.

Làm thế nào để thoát khoải hội chứng People Pleasers?

Việc sợ làm mắc lòng người khác là một tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, chính lòng tốt này lại là nguyên nhân khiến những người mắc People Pleasers rất dễ bị lợi dụng. Và khi đó, bạn không còn là người tốt nữa mà chính là nô lệ của hình ảnh tử tế mà bạn mặc định theo đuổi!

1. Bạn không cần làm hài lòng hết mọi người

Không phải ai cũng đánh giá cao hay coi trọng sự cống. Dù bạn cố gắng như thế nào, thậm chí đánh đổi quyền lợi cá nhân để giúp đỡ họ, có những người sẽ không quan tâm và không trân trọng những gì bạn đã làm. Đôi khi, họ xem đó là việc của bạn và điều bạn làm là chuyện đương nhiên. Vì vậy, hãy ưu tiên những người thực sự quan trọng và trân trọng công sức của bạn.

2. Hãy giúp đỡ một cách cân nhắc

Hãy tỉnh táo và biết giúp đỡ có chừng mực. Đừng quá vượt quá giới hạn và biết khi nào nên tiếp tục hoặc dừng giúp đỡ người khác. Khi vượt quá giới hạn, bạn sẽ dễ bị kiệt sức và không còn thời gian để làm những việc riêng của mình. Bạn có thể lắng nghe và tư vấn, nhưng hãy học cách từ chối khi cần thiết, đặc biệt là khi nhận ra dấu hiệu lợi dụng từ phía họ. Hãy học cách tự tin và bảo vệ quyền lợi của mình mà không cần phải giải thích tại sao bạn không thể giúp đỡ khi họ yêu cầu.

People Pleasers

3. Tập trung vào bản thân và phát triển

Một trong những nguyên nhân tạo ra tâm lý của hội chứng People Pleasers chính là sự lo sợ bị bỏ rơi, bị ghét bỏ và họ không tự tin về bản thân. Vì vậy, đầu tiên hãy dành thời gian để lắng nghe và hiểu nhu cầu thật sự của mình. Đừng sống dựa trên ý kiến của người khác, hãy trau dồi kỹ năng và kiến thức để trở thành người độc lập. Hãy rèn luyện nhận thức về điểm mạnh và điểm yếu của mình, và học cách cải thiện điểm yếu và phát triển thế mạnh của mình.

4. Tìm cân bằng trong mối quan hệ

Trong mọi mối quan hệ, việc tạo ra sự cân bằng giữa việc cho đi và nhận lại là rất quan trọng. Nếu chỉ một bên hy sinh và chăm sóc trong khi bên kia không đánh giá cao hoặc không đóng góp, thì mối quan hệ sẽ dần đi đến ngõ cụt. Vì vậy, hãy tạo mối quan hệ cân bằng, nơi cả hai bên chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, để mối quan hệ này có thể đi xa hơn. Hãy tìm hiểu sự khác biệt giữa mối quan hệ độc hại và mối quan hệ cân bằng, từ đó tìm kiếm mối quan hệ tích cực và cân bằng.

People-Pleasers

Theo mình, những người mắc hội chứng People Pleasers đáng thương nhiều hơn đáng trách. Việc luôn e dè và buộc bản thân phải làm hài lòng người khác thật sự vô cùng mệt mỏi. Hi vọng bài viết của Nghiện Văn Phòng sẽ giúp bạn nhận ra hội chứng này và biết cách ngừng làm người khác hài lòng, tìm cách cân bằng lại cuộc sống của mình ngay bạn nhé!

Bạn thích bài viết này? Vote nhé!

You may also like